Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

MỘT HỒN THƠ DỄ LÀM TA CẢM KÍCH - BẰNG VIỆT


Chân dung nhà thơ Bằng Việt

Cầm tập thơ dày dặn, phong phú và tràn đầy cảm xúc thi sĩ của chị Xuân Quỳ, không biết vì sao, bốn câu thơ quá khiêm nhường và chân thành của chị trong bài “Bên bờ thành Cổ Loa” bỗng dưng làm tôi thật xót xa:
“Cầm lên chiếc lá cuối mùa
Rưng rưng một nỗi nắng mưa dãi dầu,
Tóc xanh cũng đã bạc màu
Xin tri kỷ một đôi câu vụng về !” 

Đấy không chỉ là cảm quan của một người yêu thơ, chơi thơ, thậm chí say thơ. Đấy chính là tâm sự thật của một người đã bị cái “nghiệp thơ nặng căn” tự muôn đời cuốn hút mình vào, buộc mình phải chia sẻ, phải ký thác cùng nó. Đến đại thi hào Nguyễn Du long đong với thơ cả đời, lại cũng gần như hóa thân cả vào kiếp nàng Kiều, phong trần lưu lạc suốt mười lăm năm, mà đến cuối cùng cũng chỉ hạ một câu nhẹ tênh, gần như tự diễu cợt mình: “Lời quê chắp nhặt dông dài / Mua vui cũng được một vài trống canh!”. Đấy là khẩu khí của thi sĩ thứ thiệt, thi sĩ trên cả thi sĩ và làm thơ cũng chẳng phải để mưu cầu gì lợi lộc ở thơ !
Cũng một tâm sự khiêm nhường đầy u uẩn như vậy về cõi nhân sinh, trong bài “Cây xấu hổ”, Xuân Quỳ mượn lời cây để nói lên tấm lòng mình:
“Phận hèn mọn, kiếp cỏ cây,
Xin gìn giữ một chút này trắng trong !”
Tự thấy mình là nhỏ bé trước vũ trụ, trước thiên nhiên, nhưng Xuân Quỳ lại luôn có một cảm quan xuyên suốt về cái vô thủy vô chung của thời gian, về sự hưng phế đã thành quy luật tồn vong của bao nhiêu triều đại: 
“Ngồi buồn hỏi cõi trăm năm,
Hỏi mây dưới nước, hỏi trăng trên ngàn,
Hỏi trời từ thuở Văn Lang
Vẫn xanh như thế suốt ngàn năm sau…
Vui buồn lắng xuống đáy sâu,
Phế hưng biến cải, đớn đau lặn chìm,
Nghĩa tình đạo lý còn in,
Tinh hoa hội tụ nơi đình miếu thiêng.
Tấc lòng gửi cõi chung riêng,
Trăm năm vẫn hỏi: Đâu miền tri âm?”
Có một chút gì bàng hoàng của người đi nhiều, sống nhiều, mà vẫn đau đáu câu hỏi tự khi mới bước vào đời: Đấy là cần tìm ở đâu cho ra một cõi tri âm, nơi sẽ phải có một người tri kỷ cho hồn thơ của mình. Đi tìm ở cõi đời đã đành, có khi Xuân Quỳ còn thành tâm đi tìm cả ởcõi Phật: 
“Lậy mười phương Phật xa xôi,
Một phương nước, chín phương trời mênh mang”
Người mà Xuân Quỳ gọi là “cố nhân”, có khi chỉ là hình bóng mơ tưởng tự vẽ nên từ thuở còn trẻ, một hình ảnh lý tưởng, mà một đời tìm kiếm, mệt mỏi tưởng là bỏ qua rồi, có tìm lại mãi vẫn không thấy được: 
“Cuộc đời vun vút bóng câu,
Xuống ghềnh lên thác tìm đâu thấy người !
Giật mình gọi cố nhân ơi,
Nhìn quanh vắng lặng, hỏi người ở đâu ?!”
Vì sao lại có cái khắc khoải ấy ? Đơn giản là vì tác giả đã sống qua một thời, mà chất “lý tưởng” được đề lên rất cao, gần như trở thành tiêu chí sống. Đến nỗi, hôm nay nhìn lại, tác giả còn bộc phát phải tự thối lên: 
“Cái thời đèo dốc nắng mưa,
Cái gì cũng thiếu, chỉ thừa ước mơ !”
Câu thơ mộc mạc, bùi ngùi, nhưng nói đúng tâm sự của một thế hệ ! 

Đọc thơ của chị Xuân Quỳ, dung lượng của mỗi bài đều không dài, nhiều khi chỉ 4 câu, thể tứ tuyệt, hoặc ngũ ngôn, hoăc lục bát, nhưng đều khép gọn một ý tưởng, một chiêm nghiệm có tính triết lý. Và triết lý của chị, chùm lên tất cả, là nhân hậu và tha thứ, bao dung:
“Trước cửa chùa Giải Oan,
Lấy ân mà trả oán,
Cây bồ đề xòe tán
Xanh mát cuộc trâm luân !” 
Có những đúc kết thú vị và hóm hỉnh khi tác giả đau đáu nhớ về phiên chợ quê xa xôi từ nhỏ mà không dễ gì thấy lại, chỉ còn trong tâm tưởng thơ:
“Nhớ quê mấy độ trăng tròn,
Chợ quê giờ họp trong hồn thơ tôi !”. 
Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà thơ Xuân Quỳ

Những vùng quê khắp đất nước cũng hiện lên trong thơ Xuân Quỳ thật đẹp đẽ, đáng yêu: Lễ hội thì có Hội Lim, chèo làng Nguyễn, Hội chọi trâu. Cảnh đẹp thì có chùa Hương, chùa Cầu, Hải Vân, Ngũ Hành Sơn, Côn Sơn, Hạ Long, các danh thắng của các thành phố lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Lạt… Cả những địa danh ở nước ngoài như Tokyo, Hiroshima, Nagasaki ở Nhật, sông Hàn ở Seoul… đều hiện diện trong thơ chị, chứng tích của một hồn thơ luôn luôn thích “xê dịch” (từ dùng của nhà văn Nguyễn Tuân), vì “xê dịch”
mới cho thực tế và cảm xúc trong thơ luôn đa dạng và phong phú về màu sắc, không mòn mỏi về tư duy, mà luôn duy trì được con mắt hồn nhiên, tươi mới.
Tuy nhiên, không chỉ cảnh vật quê hương là được ngòi bút Xuân Quỳ lưu tâm tái hiện sinh động. Cái quan trọng hơn nữa là chị biết đưacảm xúc gắn liền với trí tuệ khi thẩm thấu sâu vào số phận con người. Có những nhân vật lịch sử được chị dựng lại vào những phút giây bi tráng nhất, như khi Chu Văn An dũng cảm viết “Thất trảm sớ” dâng vua, mà không sợ hậu họa khôn lường có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, hay giây phút Nguyễn Trãi được minh oan, có một trận cuồng phong nổi lên đầy đau xót và giận dữ, cuốn phăng cả tờ thánh chỉ vừa công bố quá muộn mằn sau khi triều đình đã tru di tam tộc. Những câu thơ viết về Chu Văn An thật hào sảng, đầy nghĩa khí:
“Gian nịnh đang hồi như nấm sau mưa,
Chém tên này , chồi ra bao tên khác!...
Nhưng nếu không viết ra
Ta làm sao nhắm mắt?
Nhật nguyệt lẽ nào lu mãi,
Càn khôn bĩ đến bao giờ?”.
Hoặc bức tranh pha chút huyền thoại trong ngày Nguyễn Trãi được minh oan: 
  “Mây vần vũ, những hình người,
Lưỡi gươm đao phủ đầu rơi, máu trào,
Oan hồn giông bão đó sao,
Giật tờ thánh chỉ ném vào biệt tăm !”.
Trái tim Xuân Quỳ rất mực nhạy cảm. Không phải chỉ chuyện xưa làm chị xúc động, mà cả chuyện oan khuất ngày hôm nay cũng luôn làm chị nghĩ ngợi sẻ chia không thôi. Từ mẩu tin về em gái  một xứ sở Hồi giáo tên là Sajaya, chỉ vì yêu, có thai, mà bị cả bộ tộc và gia đình nhẫn tâm hành quyết (thường bằng hình thức dã man là ném đá cho đến chết), Xuân Quỳ đã không nén nổi lòng trắc ẩn và đã viết một bài thơ đầy cảm thông với cái chết tức tưởi và vô lý kia. 
Trái tim đầy nữ tính của Xuân Quỳ luôn luôn giành cho người phụ nữ những cảm thông sâu sắc. Trong lịch sử, có hai nhân vật rất nổi tiếng, có số phận thật cay đắng và trắc trở, là Chiêu Thánh công chúa (Lý Chiêu Hoàng) và Huyền Trân công chúa. Xuân Quỳ đã dành những dòng thơ đầy tự sự chân thành để chia sẻ với hai vị công chúa trên, tuy là thân phận hoàng tộc, nhưng lại cũng đầy những khao khát nhỏ nhoi của người phụ nữ đời thường, mà không sao thực hiện được!. Lý Chiêu Hoàng thì bị Trần Thủ Độ ép gả cho Trần Cảnh, nhường ngôi cho chồng, sau lại bị ép bỏ Trần Cảnh vì không sinh được con nối dõi. Huyền Trân công chúa thì bị gả cho vua Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô và châu Rí. Tâm sự của Lý Chiêu Hoàng, sau khi bị đưa ra làm “quân cờ thí” của thời cuộc, thật chua xót và bấp bênh, như câu kết của bài thơ :
“Thôi đành làm phận cỏ may,
Bão giông thời cuộc mai rày có tha?”. 
Còn tâm sự của Huyền Trân được gói vào câu tâm nguyện đau đáu nỗi nhớ nhà vô vọng, đến mức ví như một đời hoa lưu lạc, không cách gì còn được thấy quê hương, nếu không ước hóa thân thành một giọt mưa sa :
“Ước sao cho đến gió mùa,
Đời hoa được hóa giọt mưa về nguồn !”. 
Thơ Xuân Quỳ tinh tế và đầy cảm thông nữ giới. Không phải chỉ nói về các nhân vật nữ nổi tiếng trong lịch sử, mà khi tới ngã ba Đồng Lộc, đứng trước đài tưởng niệm các chiến sĩ anh hùng hy sinh thời chống Mỹ, Xuân Quỳ cũng không giấu được lòng rưng rưng xúc động :
“Gió ru em ngủ yên rồi
Mình tôi lặng đứng, bồi hồi con tim…” 

*
Với cảm giác làm mẹ, thơ Xuân Quỳ có một bài thơ viết về mẹ đầy chân thật và hàm ơn, đồng thời, cho dù đã lớn khôn, vẫn cảm thấy yếu duối và thiếu hụt khi phải xa mẹ:
“Bây giờ xa cách trùng khơi,
Liệu khi vụng dại biết rồi cậy ai !”
Tuy nhiên, khi chị viết về mình với tư cách làm mẹ, thì câu thơ dắn dỏi mà lại bản lĩnh đến không ngờ, trước mặt các con:
“Cầm lên một nắm lở bồi,
Mai con đến xứ xa xôi sương mù…
Hành trang: Khúc hát mẹ ru
Lũy thành ở chốn tâm tư yên bình !”
Đấy là câu thơ viết bên thành Cổ Loa đầy hào khí cha ông, nó kết hợp một cách thật nhuần nhuyễn với bản lĩnh thuần hậu của người mẹ Việt Nam, để đủ sức tiễn con đi, chân cứng đá mềm, đàng hoàng bước ra với thế giới. 
Những câu thơ hay của chị Xuân Quỳ đã biết hòa quyện triết lý vào với chi tiết của đời sống, sự chiêm nghiệm của bản thân, nên dù triết lý mà vẫn thanh thoát, không rơi vào tư biện, duy lý khô khan. Đó là ưu điểm lớn của một nhà thơ nữ, hiểu biết và thành đạt, nhưng luôn giữ được vẻ khiêm nhường và kín đáo, hàm súc trong cách diễn đạt. Tôi xin chúc mừng tập thơ tuyển của chị đã giữ được liều lượng để có được ưu điểm đáng quý này.
Nếu cần nhấn một điểm gì để kết thúc, thì tôi muốn nói rằng thơ Xuân Quỳ khi đạt tới thành công, là biết kết hợp hai ưu thế: Có lúc tưởng như rất mộc, rất thật, nhưng lại có lúc bất ngờ rất bay, rất ảo. Câu thơ sau đây chẳng hạn, có cái phóng túng nhẹ như không, mà ta đâu hẳn dễ gì nắm được:
“Có người chở nắng lên tiên
Gót son nhẹ lướt tới bên vườn chùa !”
Tôi cầu chúc cho chị có nhiều câu thơ như thế, những câu thơ đủ sức kéo cả chúng ta theo gót son Nàng Thơ của chị, vừa chở nắng lên tiên, vừa ru mình vào một cõi lặng, trong trẻo và cao thượng, giống như biết nhập Thiền! 

Hà Nội, tháng Tám 2011
 
Nhà thơ BẰNG VIỆT
Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét