Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

Đau đáu một tình quê


Xuất thân từ quê hương phố Hiến với nhãn lồng, vải ngọt, đã có nhiều thành công và thành danh trên nhiều địa hạt, tưởng chị an nhiên hưởng tọa tuổi già. Thế mà với tuổi “thất thập cổ lai hy” nào chị đã được nguôi ngoai thanh thản ! lúc nào cũng canh cánh bên lòng một nỗi nhớ quê.
Quê hương mỗi người chỉ một – như là chỉ một mẹ thôi…” lời thơ, lời hát đã trở nên quen thuộc này – làm xót xa, thổn thức, khơi gợi bao nỗi buồn cho những ai trot mang thân phận xa xứ - nỗi buồn này càng khắc khoải, thấm đẫm khi ngày tháng xa quê càng lê thê. Nhà thơ Xuân Quỳ là một người như thế. Ở chị luôn ngổn ngang thắc thỏm một tình quê diệu vợi và chị đã chắt lọc cái hồn quê tình người đó, gửi gắm vào những vần thơ – như những lời tâm sự đến buốt lòng.
Đất khách liên hồi cuộc tỉnh say
Mà lòng chẳng có chút nguôi khuây
Nhớ quê canh cánh chao ôi nhớ !
Giếng nước cây đa khói bếp gầy.
(nhớ quê – trang 66)
Mỗi câu thơ là một dòng hoài niệm u uẩn. Thơ của chị không cầu kỳ vẫn là những khổ thơ kinh điển: lục bát, thất ngôn, nhưng lại dễ đi vào lòng người và đọng lại trong họ những xao xuyến bất chợt, những cảm xúc bang quơ – làm cho người đọc nhớ những vần thơ mênh mang buồn của Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến… Trong thơ của chị còn có những nốt trầm, nốt lặng của nhạc điệu… và chính ngôn ngữ nhạc trong thơ đã đong đầy cảm xúc cho quá nhiều nhạc sĩ phổ thơ của chị. Để chị trở thành một nhà thơ nữ có hơn 80 bài thơ được phổ nhạc từ những tên tuỗi lớn như: nhạc sĩ Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Thuận Yến, Phạm Tuyên, Huy Thục…
Tập thơ Cố Hương gồm 95 bài, thêm phụ lục 30 bài nhạc phổ thơ do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2005. Đây cũng là tập thơ nhạc thứ 9 của chị ra mắt bạn đọc. Ngoài ra chị đã phát hành 4 CD gồm hơn 80 bài thơ đã được phổ nhạc.
ĐẶNG CHÍ LỢI- Giáo Dục Tp.HCM ngày 1/12/2005

0 nhận xét:

Đăng nhận xét