Thứ Năm, 9 tháng 1, 2014

HƯƠNG MÙA CŨ CÒN THƠM


Nhà thơ NGUYỄN THỤY KHA
Hội viên Hội Nhà Văn VN – Hội Âm Nhạc VN

Hương mùa cũ - Bút sắt
Ký họa LA TOÀN VINH

Đọc thơ Xuân Quỳ, cảm giác đầu tiên là cảm giác thơm. Thơm thơm hương mùa cũ. Có lẽ Xuân Quỳ là một người thơ nặng lòng cùng ký ức, cùng hoài niệm, cùng quá vãng. Sự nặng lòng ấy ẩn chứa nhiều nhất trong thơ lục bát. Thơ lục bát Xuân Quỳ là một giọng thơ dãi bày đến chan chứa thắt buộc đến nghẹn ngào. Nói về Mẹ, chị buộc thốt như thơ ấu “Bây giờ xa cách trùng khơi / Liệu khi vụng dại biết rồi cậy ai” Chữ “Cậy” là chữ nương theo, đi cặp với chữ “nhờ” “Nhờ cậy” chỉ là để nói với những người đáng lụy phiền. Nhưng “cậy” chỉ nói với những người đã sinh hạ ra mình, đã vì mình mà không toan tính, đã toàn vẹn hy sinh. Những câu lục bát như thế trong lục bát Xuân Quỳ, bài nào cũng có. Những chữ thường ngày của Tiếng Việt qua trắc ẩn Xuân Quỳ bỗng mới lên lạ lung: “Nhớ quê mấy độ trăng tròn/ Chợ quê giờ họp trong hồn thơ tôi” Chữ “họp” lâu nay vốn đã xem nhẹ trong thời thế, thì bỗng dưng sống động lại thuở xa xưa trong thơ Xuân Quỳ Chữ “gói” cũng được hồn nhiên nhập thần trong “Ra về gói một làn hương/ Lời thoang thoảng gió, con đường phân vân”. Đến chữ “cầm” thì lại thanh thoát xa vời “Cầm lên một nắm lở bồi/ Mai con đến xứ xa xôi sương mù” hay “Cầm lên chiếc lá cuối mùa/ Rưng rưng một nỗi nắng mưa dãi dầu”.
***
Đọc thơ Xuân Quỳ bỗng nhớ đến “Mùa cổ điển” của Quách Tấn. Ngày ấy, giữa bộn bề đổi thay, giữa thích “mới” chê “cũ” “Mùa cổ điển” đã khiến nhiều nhà thơ mới phải ngẫm nghĩ nhìn lại mình. Thơ có đi đâu, có ồn ào quảng trường, có mới lạ mông lung, thì con người vẫn cần một nỗi niền trắc ẩn “Hiu hắt mưa rơi những sợi buồn/ Một mảnh trăng lu soi một mảnh” vẫn cần một thi ảnh đột ngột “ Thu tím, biến chiều chim làm tổ / Ngọn triều sóng vỗ đá thành thơ” Làm cho đá thành thơ thì chỉ có thi nhân đích thực mới nhận ra. Và nếu thích phủ nhận, thích xổ toẹt quá khứ bằng những câu sướng mồm rỗng tuyếch thì hãy coi chừng sức mạnh của Đường Thi “Tôi đi trên ngã đường cổ tích/ Lại lạc vào những nẻo đường yêu…”
Trời ạ ! Đừng ngoa ngôn trước nhân tình thế thái. Hãy trầm lắng mà cảm nhận sự chuyển rời tâm can trong chính trái tim mình.
***
Đọc thơ Xuân Quỳ, thấy chị quá nhạy cảm với thời gian - chiều thứ tư của không gian. Thời gian trong Xuân Quỳ thật thảng thốt, thật nao núng, thật bang khuâng. Lúc thì, “Thời gian gió cuốn mây đưa” lúc thì “Thời gian là nỗi nợ vay”. Đang buông thả mặc “Con tạo xoay vần” vậy mà nhận ngay ra sự nhọc nhằn. Đến bài “Chùa cầu ở Hội An” thì thấy chị “chơi” thời gian như thấm thía nỗi tuổi người “Thời gian buông Thạch nhũ” rồi chuyển dời danh xưng “Tháng năm như lùi xa / Tháng năm như gần lại” rồi đành “Nước chảy bèo trôi” Thời gian như gió lướt” Rồi thời gian biến hình trong “Cái đêm thất tịch hàng năm/ Để sóng sông Ngân thở dài” trong “Cái thời đèo dốc nắng mưa/ Cái gì cũng thiếu chỉ thừa ước mơ” trong “Nắng vàng rọi đến sáng nay / Sợi sương, sợi gió, chỗ dày, chỗ thưa” trong “Chiều bâng khuâng đến vơi đầy” trong “Mỗi ngày một thắt chặt thêm” trong “Kìa ai quạnh vắng tháng ngày” trong “Ngày vắng bỏ quên vài giọt nắng” trong “Nhớ mùa thu lá chín” trong “Xuân đi trên lá mướt” trong “Mùa hạ dần dần buông” trong “Ngày tháng trôi qua”.
***
Chính sự nhạy cảm của thời gian đã tạo cho Xuân Quỳ những cảm thức mới trong bức tranh “Mùa cổ điển” của mình. Xuân Quỳ không thể cố ý nhưng chị đã mới khi “Ngồi đếm giọt sương rơi” khi lập tứ bài “Tao Đàn” “Hai mươi tám thi ca trong bầu trời lấp lánh/ Sáng đến ngàn năm sau/ Vườn Tao Đàn hôm nay người ra vô tấp nập/ Mỗi người mang ánh sáng một vì sao” hay bài “Rừng cao su” “Cây xếp hàng điểm danh bằng ngôn ngữ trắng/ Nhựa tình yêu gắn kết với đời/ Dẫu muốn chạy đến trường cùng bạn/ Vẫn nhớ mình phải bám đất để xanh tươi” Khi nói về chiến tranh một cách trầm tĩnh “Nhớ một thuở quân vào chiến dịch/Rừng làm nhà, cánh võng mắc trong sương”. Tôi thích bài thơ “Bốc lịch” của chị “Mỗi tờ lịch rơi/ Trong đời ta thấy mỏng vơi dần/ Lại đầy thêm những tâm tư bề bộn/ Tình đời mênh mang/ Mỗi tờ lịch rơi/ Mỏng thêm ngày tháng/ Đầy thêm vui buồn/ Cuộc luân hồi say tỉnh/ Nắng xối rồi mưa tuôn chạm tay vào tờ lịch/ Chạm vào hữu hạn/ Chạm vào vô biên”.
 ***
Bằng “Hương mùa cũ” Xuân Quỳ đã thoảng vào vườn thơ một mùi thơm nhẹ nhưng không lẫn được. Cả một đời người để có một chút riêng của mình gủi lại nhân gian là không phải dễ. Tôi nghĩ Xuân Quỳ càng nhạy cảm thời gian bằng “Hương mùa cũ” lại càng riêng. Cái riêng không tân kỳ nhưng biệt lập. Cứ thế, sẽ “chạm vào vô biên”.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét