Thứ Năm, 5 tháng 1, 2012

Tập thơ "Xanh mát cuộc trầm luân"

Ảnh minh họa
Trước hết phải nói ngay “Xanh mát cuộc trầm luân” là tên tập thơ thứ sáu của nhà thơ Xuân Quỳ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Đây còn là một “ý thiền”, một tính từ độc đáo, gợi nói lên nhiều ý nghĩa của cuộc phù sinh, kinh nghiệm cũng như phát hiện của một người phụ nữ đi qua cuộc đời dâu bể.
Khác với những tập trước như Chiều (1999), Thời gian (2000), Ngọn lửa tím (2001), Hương Nhãn (2002), Cố hương (2004)… Xanh mát cuộc trầm luân là một tuyển thơ - nhạc song song do nhà thơ viết trong thời gian 5 năm gần đây. Những bài như Sóng và cát, Mùa thu xa, Thu xứ Huế, Mái cọ Trung du, Cô Tấm bến sông Ngân… do các nhạc sĩ Cao Minh Khanh, Đặng An Nguyên, Nghiêm Bá Hồng, Thế Song, Huy Oánh… phổ nhạc. Được biết, thời gian tới nhà thơ cho ra mắt một CD nhạc gồm những ca sĩ nổi tiếng hát những ca khúc phổ thơ mình.
Tôi may mắn biết đến nhà thơ Xuân Quỳ qua nhiều hoạt động từ thiện mà bà trực tiếp tham gia. Độc đáo hơn, có dịp trực tiếp chứng kiến buổi ra mắt tác phẩm thơ Xuân Quỳ bán đấu giá hơn 40 triệu để nhà thơ góp vào quỹ từ thiện giúp trẻ em nghèo ở miền Tây. Phải nói tấm lòng nặng nợ với cuộc đời và tình yêu thi ca của bà như hòa quyện làm một. Thơ bà quan niệm là những tâm tình, tri ân với cuộc sống. Mà cuộc sống trải rộng ngoài kia với bao số phận, mảnh đời cơ nhỡ. Một trong những đốm sáng đó, là “Gánh bún riêu”, mô tả sự lao nhọc, vất vả của người mẹ tảo tần, bon chen phố thị xôn xao, mưu sinh cho mình và con cái. Nhà thơ viết:
- Giữa những xập xình nhà hàng, khách sạn
Tiếng rao bún riêu tha thiết gọi mời
Gánh hàng rong chị Tuấn
Lạc lõng giữa dòng trôi
Trong tiếng rao tủi buồn mỏi mệt
Hiện lên gương mặt những đứa con xanh xao
Người chồng bệnh tật
Mái nhà lụp xụp
Không đỡnổi nắng mưa
“Ai bún riêu”
Cả thành phố ồn ào vội vã
Lời rao chìm vào canh khuya…
Cái hay của thơ đôi khi “bắt” được, “dựng” được một tình tiết sống động thoáng qua của đời sống. Nó như ống kính quét qua “chụp” lại những nét chảy làm nên bộ mặt ngổn ngang cảnh đời. Nghệ thuật không chỉ cách tân, tìm tòi, tư duy. Nghệ thuật đôi lúc chảy cần phản ánh. Nhiều bài thơ của Xuân Quỳ khiến bạn đọc rung động khi chỉ phản ánh sự “chân thật” như thế! Ở một bài khác cũng với đề tài từ thiện, bà viết:
Thả đồng tiền vào hòm công đức
Ta nhập hồn vào trong khói sương
Ta hòa vào cuộc đời khốn khổ
Nhẹ nhàng trôi trong cõi vô thường
Ở mảng thơ tình yêu của Xuân Quỳ trẻ trung, không có dấu vết thời gian:
- Dưới ánh trăng em tắm
Kìa vũ trụ ngã nghiêng
Giọt trăng rơi từng hạt
Đọng trên mái tóc mềm
(Tắm trăng)
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thành bài hát được nhiều bạn trẻ mến mộ.
Xuất phát từ sự đôn hậu, không lên gân ấy mà nhiều bài thơ của nhà thơ đã được rất nhiều nhạc sĩ phổ nhạc được người nghe biết đến. Thật đáng ngạc nhiên và trân trọng khi đến hôm nay hơn 100 bài thơ của Xuân Quỳ đã được phổ nhạc, được thu phát trên truyền hình, sóng phát thanh, được hát trong ngoài nước. Các nhạc sĩ nổi tiếng như Trần Hoàn, Phạm Tuyên, La Thăng, Xuân Khai, Huy Du, Huy Thục, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Thanh Hà, Đoàn Bổng, Nguyễn Văn Tý, Thế Hiển, Quỳnh Hợp… đều đã hơn một lần phổ thơ bà. Những bài hay như Nhớ anh và Biển, Thu trên xứ Huế, Gọi thuyền, Xuân Tha hương… vẫn được phát lại theo yêu cầu bạn trẻ trong các chương trình phát thanh.
Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng giới thiệu một chùm thơ của nhà thơ Xuân Quỳ.
Xanh mát cuộc trầm luân
Mưa mưa như sương vương
Đậu mềm trên mái tóc
Cuộc đời ôi thoáng chốc
Đã vèo như gió bay

Tình người, một giấc say
Nỗi niềm chân thật nhất
Đôi mắt còn chưa khép
Con đường còn dở dang…

Trước cửa chùa giải oan
Lấy ân mà báo oán
Cây bồ đề xòe tán
Xanh mát cuộc trầm luân.


Quê nội
Mùa đông ơi, chạnh lòng nơi quê cũ
Chiều tháng mười chim đậu trĩu cành thu
Làng quê nghèo bao bọc rặng tre thưa
Heo may thổi lạnh về xao xác lá…

Bờ ao nhỏ, gốc dừa nghiêng dáng lá
Chim chích choè hội họp buổi ban mai
Bờ đê cong uốn khúc bọc làng chài
Gió lạnh thổi cát bay đầy mái giạ.

Cho tôi được gối đầu lên bờ cỏ
Thửa chăn bò, mót thóc, bắt cua
Nghe tiếng thở đất đai từ sâu thẳm
Tiếng thầm thì róc rách nước reo mưa…

Bè bạn ơi, có khi nào thấc giấc
Thấy nồm nam cơn gió thổi về
Tình tôi đấy muốn bay mà không được
Mượn gió mùa gửi mấy khúc tâm tư…


Sóng và cát

Sóng và cát có bao giờ yên ả
Anh với em tất tả ngược xuôi
Sóng xô cát cuộn nên cồn bãi
Bao đời nước mắt với mồ hôi

Bão tố ngất trời cùng mưa lũ
Quăng quật những ngã đường ngược xuôi
Muối mặn gừng cay, tình thắm mãi
Đảo xa cồn vắng thủy triều ơi…

Xa anh năm tháng thành đơn lẻ
Tình em sóng gió giữa triều khơi…


Nhớ mẹ
Ngày con trốn quê đi
Mười đấu gạo đổi thành chiếc vé
Gió bấc lạnh thổi liêu xiêu dáng mẹ
Nhưng hôn nhân không thể dối lòng

Mẹ cầy cấy tảo tần chợ búa
Giấu nỗi buồn dưới vai áo nắng mưa
Con đâu biết mẹ nhiều đêm không ngủ
Thao thức với Ngân Hà, chớp giật, tua rua…

Ngoảnh lại, đã năm mươi năm
Kỷ niệm thức mỗi đêm trở gió
Con ao ước một nhịp cầu nho nhỏ
Cõi dương trần nối nhịp tâm linh…


Thu xứ Huế
Sương thu nghe dịu trên đôi má
Gió lướt ngang qua núi Ngự Bình
Tiếng chuông thiên mụ pha màu tím
Ríu rít môi hồng, tiếng guốc xanh.
Thu đậu trên cổ thành
Nỉ non lời xa vắng
Em nhớ anh đằng đẵng
Khuất nẻo chân trời xa
Cánh nhạn vừa bay qua
Gửi bao điều thương nhớ
Mắt thắm, môi hồng một thưở
Mùa thu xứ Huế gió đồng trinh…


Thông cổ thụ ở Côn Sơn
Ngọn cao vút lưng trời
Thân xù xì cổ thụ
Lá nhọn sắc như kim
Tuổi tính bằng thế kỷ

Lá có nhọc sắc hơn chăng
Từ cái thời nỗi oan tràn mặt đất
Thấu tận trời xanh
Cây cỏ cũng dậy niềm căm uất?

Mỗi cây một niềm tâm sự
Nhân tình, thế cuộc, nhân gian…
Mỗi cây một hình, một vẻ
Tọa thiền, ẩn sĩ, triết nhân…

Thông chỉ tâm sự với gió
Gió mang hương thông đi muôn phương
Mang nỗi niềm oan khuất
Đại ngàn thông
Ngàn thuở Ức Trai…


Thời gian
Vũ trụ có vần xoay
Mặt trời như đứng yên
Mặt trăng hẹn tới gần
Cùng ngắm bóng thời gian

Mặt trời lặn, mặt trăng vội lên
Nhớ thương ơi
Khắc khoải…
Chờ nhau…
Em và tôi giữa đời sôi động
Xin thời gian hãy đứng lặng im
Để tôi viết tiếp khúc tình ca trái đất
Giữa thế gian này gìn giữ lấy con tim
1996


Cảm nghiệm Tokyo
(Viết và đọc trong Hội nghị Ngôn ngữ học quốc tế Alai lần thứ 12 tại Tokyo từ ngày 1- 6.8.1999)
Nước mắt từ Hirôsima
Chảy ta về

Nagasakicòn bỏng lửa
Bạn bè ơi! Từ bom A, bom H hiện về
Đường thế kỷ 20 rộng mở

Nói gì nữa?
Nhân loại vác trên lưng
Hai ngàn năm trời đất

Ngôn ngữ địa cầu trải rộng
Mang tình yêu hạnh nhân dân
Nào đồng thanh tương ứng
Bao lời nhân ái nghìn sau…

Kyôtô - em hồn xanh
Lụa áo kimônô
Cội nguồn nhân ái
Nhân gian
Dân tộc

Cho mây nước biển trời bình an
Thạch sơn chùa chuông chiều vang vọng
Tiếng mõ ni-cô khẽ nhịp bước lữ hành
Dắt nhau về Tôkyô
Đưa em lên tầng nhà cao chất ngất
Hồn quê
Nhân loại
Cao cao…
                      10.8.1999
Phạm Nguyễn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét