Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Thi ca đồng hành bước chân từ thiện

Trước hết, nữ sĩ Xuân Quỳ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam [1] là một người phụ nữ phúc hậu. Sau khi ngừng tháng ngày công chức cần mẫn, bà dành mọi thời gian cho hai niềm đam mê: hoạt động từ thiện và hoạt động thi ca.

Hai việc làm lặng lẽ ấy cứ song hành, không lúc nào tách rời, vừa nương tựa cho nhau vừa bổ sung cho nhau. Hoạt động từ thiện để san sẻ cộng đồng, còn hoạt động thi ca để nâng đỡ bản thân. Thơ không có chỗ cho tị hiềm và ganh đua, vì vậy chính những mục đích nhân từ đã lấp lánh chất thơ, và chính những cuộc đời độ lượng đã lung linh hồn thơ. Nữ sĩ Xuân Quỳ sống giữa không gian ấm áp đó, và vần điệu tự nhiên trôi chảy, không cần phải dụng công mà cũng không cần phải trau chuốt: “Tuổi hoa cùng với tuổi già. Thời gian như một bài ca nối dài”.

Qua 600 trang “Thơ tuyển Xuân Quỳ”, có thể ít nhiều cảm nhận được: Thơ Xuân Quỳ mộc mạc, coi trọng sự tề chỉnh của thể loại và vần điệu. Đôi khi trong chính vẻ đẹp giản dị lại bật ra những suy tư thú vị. Phần lớn sáng tác của Xuân Quỳ có ý nghĩa như nhật ký một kẻ lúc nào cũng mến thương cõi dân gian bề bộn, dẫu thua thiệt dẫu xót xa. Mỗi cảnh vật lướt qua đều có sức quyến rũ để những câu thơ Xuân Quỳ nối nhau theo dòng suy tưởng mạch lạc! Về thơ lục bát, nữ sĩ Xuân Quỳ có cách thể hiện mềm mại những quan sát sinh động. Ví dụ, cảm xúc về “Chợ nổi Cần Thơ” được đẩy ra khỏi những xô bồ và chen lấn: “Mặt trời chếnh choáng như say. Trăng sao cũng xuống vui vầy bán mua”. Và để chọn một bài lục bát tiêu biểu của nữ sĩ Xuân Quỳ, không thể không kể đến tác phẩm “Giọt sương”: “Gió đưa bạn đến chơi nhà/ Mang theo trăng với la đà giọt sương…/ Giọt gần chi chút tơ vương/ Giọt xa ôm hết nhớ thương đường dài/ Giọt thầm hò hẹn với ai/ Giọt buồn vui với đan cài giọt chua…/ Cái thời đèo dốc nắng mưa/ Cái gì cũng thiếu, chỉ thừa ước mơ”.



Về thơ tứ tuyệt, nữ sĩ Xuân Quỳ tỏ ra có thế mạnh về sự phát hiện và triển khai nhanh gọn các ý tưởng bật ra. Chỉ cần hai tác phẩm “Rừng cao su” và “Tin nhắn miệt vườn” đã đủ chứng minh trên mọi cung đường tác giả đi qua luôn gợi mở khung trời mơ mộng: “Cây xếp hàng điểm danh bằng ngôn ngữ/ Bằng chất nhựa tình yêu gắn kết với đời/ Cây muốn chạy đến trường cùng bạn trẻ/ Chợt nhớ mình phải bám đất để xanh tươi” (Rừng cao su); “Tin nhắn miệt vườn, anh nhớ nhé/ Kênh đào chằng chịt, chớ tìm em/ Vầng trăng trốn biệt vào cam bưởi/ Như tò mò xem mưa gió đánh ghen” (Tin nhắn miệt vườn)

Về thơ tự do, nữ sĩ Xuân Quỳ có dịp hé lộ những thao thức riêng tư nhất. Người phụ nữ luôn xao xác “tiếng ca nào vọng vang/ xa xôi từ mấy kiếp/ người vẫn còn đâu đây/ dù trăm năm cách biệt” không hề giấu giếm tâm trạng hoài niệm xanh thẳm. Con sông tuổi nhỏ, phiên chợ ngày xưa, bến đò năm cũ, vệt nắng hiên nhà… cứ đi về trong mỗi giấc mơ chấp chới: “Bừng mắt dậy Sài Gòn chang chang nắng/ Ta biết mình duyên nợ với mùa đông/ Và mắc nợ với sông Hồng mùa cạn, nổi/ Những cành bàng rụng lá đứng trong sương” (Đêm mơ về Thăng Long). Khi buông thả, lúc dằn vặt, nhiều đoạn thơ của Xuân Quỳ chắt lại những nỗi trắc ẩn khôn nguôi: “Mẹ khóc cha đã cạn nước mắt/ Giờ mượn trời mưa mà khóc con” (Nhớ mẹ) “Một vì sao đổi ngôi ngoài xa khuất/ Hay một tiếng thở dài không nghe được/ Làm tôi thức giấc giữa khuya?” (Trong khuya).

Nếu đề cử một bài thơ tự do của nữ sĩ Xuân Quỳ, xin được nhắc đến tác phẩm “Sóng đôi” với sáu câu ngắn run rẩy: “Nhìn chiếc lá rời cành trong vắng lặng/ Lòng tôi đã thu rồi/ Nhìn em bé đứng góc đường thổn thức/ Lòng tôi trút lá xuống dòng trôi/ Mùa thu và tôi/ Đi sóng đôi…”.

Trái tim một nhà từ thiện và một nhà thơ thường đồng cảm và đồng điệu như vậy!

Tuy Hòa

Theo báo Công an Nhân Dân

[1] Bài báo ghi "Nữ sĩ Xuân Quỳ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam" tuy nhiên Nhà thơ Xuân Quỳ xin đính chính lại: Nhà thơ Xuân Quỳ hiện là hội viên Hội nhà văn TP. Hồ Chí Minh chứ chưa phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét