Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

THƠ CỦA TẤM LÒNG YÊU THƯƠNG VÀ TỪ THIỆN

NGUYỄN VŨ TIỀM   

Nhà thơ Xuân Quỳ làm thơ từ những năm công tác ở Sở Văn Hóa Hà Nội trước năm 1975. Hồi ấy tôi thường đến sinh hoạt thơ văn, họp Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội cùng địa chỉ 47 Hàng Dầu, biết chị nhưng không quen, bởi chị làm thơ nhưng không gửi đăng báo. Năm 1976, chị chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, cùng công tác với tôi ở Sở Giáo Dục, nhưng mãi đến năm 1999 chị mới in tập thơ đầu tiên và sau đó trở thành hội viên Hội Nhà Văn TP. Hồ Chí Minh. Cũng trong thời gian này, chị tham gia nhiều công tác xã hội và từ thiện: Ủy viên BCH Hội Cứu trợ Trẻ em TP. Hồ Chí Minh; trưởng ban Đại diện Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tại các tỉnh phía Nam; Ủy viên BCH Hội Từ thiện Phụ nữ TP. HCM; Uỷ viên BCH Hội Khuyến học TP. HCM... 
 Trong quá trình tham gia những hoạt động này, chị có thêm nhiều kiến thức đời sống và cảm xúc mới để viết nên nhiều bài thơ xúc động, đề tài mở rộng hơn, giá trị nội dung và nghệ thuật vượt trội hơn thời gian trước, càng những tập về sau “tay nghề thơ” càng nhuần nhị hơn, chín hơn, số bài khá, bài hay nhiều hơn. Chùm thơ 3 bài viết về Hà Nội in ở Báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn VN năm 2009, được BBT và bạn đọc đánh giá cao, được chọn in vào tuyển tập thơ kỷ niệm “Nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”. 

Nhiều báo, tạp chí đã viết bài giới thiệu thơ Xuân Quỳ với những lời cổ vũ khá nồng nhiệt; nhiều đài phát thanh, truyền hình đã xây dựng chương trình rất công phu giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳ cùng những hoạt động từ thiện của  chị. 
Chị đã xuất bản 7 tập thơ: 
•    CHIỀU- thơ -  NXB Trẻ Tp HCM.1999
•    THỜI GIAN - NXB Văn nghệ Tp HCM.2000 
•    NGỌN LỬA TÍM - NXB Văn nghệ Tp HCM. 2001
•    HƯƠNG NHÃN - NXB Văn học. 2002
•    CỐ HƯƠNG - NXB Văn nghệ Tp HCM. 2004
•    XANH MÁT CUỘC TRẦM LUÂN - NXB Hội Nhà văn. 2006
•    MUÔN NỖI CHÚNG SINH - NXB Hội Nhà văn. 2009

Đặc biệt, thơ chị rất có duyên với âm nhạc, nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thơ Xuân Quỳ như Trần Hoàn, Phạm Tuyên, Phan Huỳnh Điểu, Huy Du, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Đoàn Bổng, Hồ Bắc, Huy Thục, Thuận Yến, Thanh Hà, Thế Hiển, Tân Huyền, Quỳnh Hợp... 
Nhà thơ Xuân Quỳ cũng xuất bản một số tập thơ phổ nhạc, được bạn trẻ yêu nhạc thích thú, đón nhận, đã tái bản nhiều lần. Đây là một hiện tượng khá đặc biệt và quý hiếm về mối quan hệ đẹp giữa thi ca và âm nhạc: thơ Xuân Quỳ giàu tình cảm, thắm thiết tình yêu con người và quê hương xứ sở khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ; nhạc chắp cánh cho thơ Xuân Quỳ bay cao, bay xa hơn.

   Thơ chị tạo nên sự xúc động ở sự giản dị chân thành. Cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi dạy con, hình ảnh này để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong thơ Xuân Quỳ:
Mẹ cho con cả cuộc đời
Tình thương thấm đượm trong lời mẹ ru.
Lời mẹ dạy từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành:
Dạy con phận gái sang ngang
Lênh đênh sông nước tràng giang lở bồi…
Bây giờ xa cách trùng khơi
Liệu khi vụng dại biết rồi cậy ai.

                                            (Mẹ)
Đặc biệt là nỗi đau mất cha đã để lại trong tâm hồn nhà thơ một khoảng trống không gì bù đắp nổi: 
Quê tôi: Hải Yến – Thụy Lôi
Cha giặc giết, cửa nhà tan nát
Mẹ tảo tần nuôi con trong nước mắt
Nợ nước thù nhà hai vai…

(Hồi ức)
    Tiếng thơ cất lên từ nỗi đau đớn đến tột cùng, không ai còn nghĩ đến nghệ thuật ngôn từ hay hình ảnh hình tượng, những thủ pháp, thi pháp này nọ… Con đường của thơ là vậy: từ trái tim đến với trái tim - con đường ngắn nhất! 
    Mới đây, năm 2010, nhà thơ Xuân Quỳ sang Mỹ, trước hàng bia tưởng niệm những người lính Mỹ chết trận tại Việt Nam, nỗi đau riêng lại thức dậy hòa với nỗi đau của những gia đình Mỹ có người thân ra đi không trở lại, chị viết: 
Tôi đã khóc cha tôi
Ngã xuống trước làn đạn ngoại bang
Giờ trước đài tưởng niệm các anh
Những hàng bia nối dài, nối dài
Muốn khóc mà không còn nước mắt!

(Bên hàng bia những người lính Mỹ chết trận tại Việt Nam)
Nhạy cảm nhất với nỗi đau mất mát, chắc chắn là phụ nữ, ăngten của nhà thơ nữ lại càng nhạy cảm hơn ai hết, Xuân Quỳ nghĩ ngay đến những người mẹ, người vợ, người yêu… của những người trai trẻ ngã xuống ở bên kia trái đất, chị cảm thông với nỗi đau của họ. Chuyện “đối đầu” một cách vô lý của thế kỷ trước dẫu chưa lâu nhưng đã thuộc về quá vãng, giờ đây ai cũng muốn nghĩ, muốn nói tới những điều ở phía trước, hướng tới tương lai. Hai quốc gia ở hai phía địa cầu đã có mối quan hệ thân thiện, thơ ca và các mối quan hệ giao tiếp đã góp phần rút ngắn sự cách biệt. 

Nhưng thơ chị phong phú hơn cả là mảng đề tài quê hương đất nước con người... 
Xa quê mà không nguôi xao xuyến với những kỷ niệm thời ấu thơ: 
Nhớ sao những buổi chiều tà
Sáo diều vi vút vàng pha ráng hồng.
Phù sa đỏ nặng dòng sông
Dập dềnh mây nổi bềnh bồng trăng treo

(Xuân nhớ quê)
    Nỗi nhớ cụ thể hơn trong khung cảnh khá mơ hồ sương khói, đặc trưng của những hình ảnh chập chờn trong kỷ niệm:
Hương lòng sưởi ấm trời sương giá
Mây khói mơi hồ như rắc mưa...

(Sang mùa)
Đã thấy có dấu ấn chạm khắc tinh tế, có gia công nghệ thuật trong câu chữ nhưng khá tự nhiên, hiện lên bóng dáng bức tranh thủy mặc, thanh đạm mà ấn tượng, trở thành câu thơ đẹp.
Nhà thơ trở về thăm trường cũ:
Gió rì rào như muốn hòa ca
Cây đa cũ thả búp chờ tôi lượm?
Tôi, chiếc búp non thầy ươm ngày trước
Con thăm thầy, sao thầy vội đi xa?

(Trường cũ)
    Ở bốn câu thơ này, người với cảnh như hòa làm một, không những “hòa ca” mà cùng với “chiếc búp” cây đa vừa thả xuống, nhà thơ tự nhận mình cũng là “chiếc búp non” cùng trang lứa, về đây bồi hồi nhớ thương thầy cũ, trường xưa…
    Kỷ niệm thời cắp sách hiện lên thật cảm động:
Tuổi học trò hương nhãn đượm trên môi
Tình yêu cài trên tóc
Lăn tròn
lăn tròn
từng giọt
đẫm hương xưa….

(Nhớ hương xưa)
    Gần đây, với bạn bè cùng lứa tuổi, đôi khi câu thơ Xuân Quỳ có dáng dấp cổ thi, dấu ấn của lớp người ảnh hưởng nhiều văn hóa truyền thống:
Tiếc lúc trăng vàng soi đáy nước
Buồn khi hoa nở có mình tôi.

(Vắng bạn)
    Nhưng với lứa tuổi trẻ, cụ thể là nói với con ở bên kia bờ đại dương, thơ chị có nét dáng mới mẻ: 
Xa nửa vòng Trái Đất
Đại dương sâu muôn trùng
Có sâu bằng thăm thẳm
Đêm ngày mẹ nhớ con?

Đất nước thời hội nhập
Chắp cánh cho con bay.
Mẹ ra vào thao thức
Mong tin con từng ngày.

(Nhớ con)

    Mảng thơ về lịch sử, truyền thống trong thơ Xuân Quỳ có nhiều nét độc đáo. Bài “Bi kịch Lý Chiêu Hoàng” sâu sắc mà tinh tế. Cô bé Lý Chiêu Hoàng mới 8 tuổi đầu: 
Đang chơi bịt mắt bắt dê
Đánh chuyền đánh chắt bắt ve thả diều…
Bắt em lên kiệu, về triều
Đầu mang vương miện, áo thêu khăn thùa.
     “Cô bé nhà vua” ấy thoắt lại buộc phải lấy chồng:
Ông Tơ bà Nguyệt vội vàng
Lấy vòng oan nghiệt thắt quàng vào duyên.
    Rồi lại bắt nhà vua nhường ngôi cho chồng:
Ngai vàng chưa ấm chỗ ngồi
Lưỡi gươm kề cổ: nhường ngôi cho chàng!
    Và rồi lại bắt nhường chồng cho chị:
Bỗng đâu sấm sét lại kề:
Nhường chồng cho chị, em về trắng tay!

(Bi kịch Lý Chiêu Hoàng)
    Một cuộc đời ngổn ngang bi kịch như thế được dồn nén trong bài thơ lục bát là cả một công phu đáng nể phục. Câu thơ có lúc vui vẻ hồn nhiên, có lúc xa xót, có lúc đắng cay chua chát, não nề… Nữ thi nhân đã cảm thông sâu sắc với vị nữ hoàng nước Nam cách xa gần 10 thế kỷ. 

    Và với nỗi niềm của vị Hoàng hậu Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân của nước Đại Việt, nhà thơ cũng có sự cảm thông tương tự:
Nỗi niềm nhớ nước thương quê
Như mây giăng khắp sơn khê mịt mù.
Ước sao cho đến gió mùa
Đời hoa được hóa giọt mưa về nguồn.

(Tâm sự Huyền Trân)
    Về mảng đề tài lịch sử, Xuân Quỳ có nhiều bài thơ đặc sắc để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc như các bài “Trước Am Mỵ Châu”, “Đưa con về thăm Thành Ốc”, “Hưng Đạo Vương vô Nam”, “Thông cổ thụ ở Côn Sơn”, “Ngày Nguyễn Trãi được minh oan”…
    
Gần với đề tài lịch sử là đề tài về danh lam thắng cảnh đất nước, trong thơ chị có nhiều tình huống trữ tình duyên dáng giàu chất thơ, có nhiều bức tranh đẹp. Đây là cảnh Hội Lim:
Hoa tiên, cánh phượng, câu chào
Bài thơ ai tặng, miếng trầu ai têm…
Mai rồi đến hẹn lại lên
Có còn gặp lại nét duyên lên chùa?

(Hội Lim)
    Một chiều nhà thơ thăm Đường Thanh Niên, Đền Trấn Quốc:
Nhịp chầy Yên Thái xưa đâu nhỉ
Gà Thọ Xương đập cánh gọi chiều
Tôi đi trên ngả đường cổ tích
Lại lạc vào những nẻo đường yêu…

(Bên Đền Trấn Quốc)
    Và một thắng cảnh khác ở TP. Hồ Chí Minh, vườn hoa Tao Đàn có những tượng thiếu nữ rất đẹp:
Có phải em vừa tắm gội
Hoa cỏ quanh đây bỗng mát lành
Thành phố như sau mưa mùa hạ
Lòng người ai cũng thuở xuân xanh …

(Bên tượng thiếu nữ ở Tao Đàn)

    Nhà thơ Xuân Quỳ từng tham gia nhiều hoạt động từ thiện, trong thơ chị phản ánh rất rõ những rung cảm sâu xa trước những cảnh ngộ, những số phận không may mắn. Từ tiếng rao đêm trên đường phố khuya vắng:  
“Bánh chưng, bánh khúc, bánh gai”
Tiếng rao khắc khoải bên ngoài nhặt thưa
Mấy ai dừng lại hỏi mua
Khúc chìm nổi, khúc gió mưa cuộc đời…

(Tiếng rao đêm)
Từ tiếng rao bánh khúc, chị liên tưởng đến khúc đoạn trường trong cuộc đời con người. Thơ Xuân Quỳ đã có bước tiến khá rõ: từ cụ thể lên khái quát. Đôi khi có sự kết hợp giữa hiện thực và siêu thực: “Hoa tím bằng lăng vừa nở rộ/ Một mình nghe lạnh dưới trắng thâu”. (Tâm sự)
    Thăm trường khuyết tật Đồng Nai, chị viết:
Cháu thì “ngắm gió”, cháu “nhìn mây”
Cháu đi không nổi bò lê lết
Mỗi cháu tật riêng… Tôi buồn riêng!

(Trẻ tật nguyền)
    Nỗi buồn riêng hòa với nỗi buồn chung của kiếp người: 
Cuộc đời bao giờ hết nợ?
Nợ lúc ra đời oe oe tiếng khoc
Nợ lời ước hẹn trăm năm…
         Hỏi trời đất bao giờ trả được
Những nợ nần chồng chất nhân gian?

(Nợ)
    Đôi khi nỗi buồn bất chợt:
Nắng vui, thoắt đã mưa buồn
Sớm mai, thoắt đã trăng non muộn màng
Có còn xanh mãi thời gian
Xuân đang níu lại… Hè sang lúc nào!

(Trách)
    Nhưng không phải lúc nào thơ cũng buồn, đôi khi gặp nét vui nho nhỏ từ cỏ cây hoa lá cũng làm chị xúc động và có những dòng thơ lục bát tinh tế dịu êm:
Có gì chạm đến lá thân
Có ai chòng ghẹo… chẳng cần vân vi
Lá xanh khép kín hàng mi
Hỏi em xấu hổ chuyện gì… ở đây?

- Phận hèn mọn, kiếp cỏ cây
Xin gìn giữ một chút này trắng trong…

(Cây xấu hổ)
    Và cả những cảnh huống éo le của cuộc đời:
        Biển với bờ bên nhau bao thiên kỷ
Không cần trầu cau sính lễ cưới xin.
Bỗng bây giờ biển đòi ly dị!
        …
Thôi, đành vậy
Em cứ việc ngăn rào
Và chọn phần nào tùy thích.

Nơi bờ biển mới này, xin chúc:
Nhiều sóng cả bão giông
Đấy mới thực là hạnh phúc!

(Chuyện ly dị của biển và bờ)
Nhà thơ dùng ẩn dụ biển và bờ để nói về tình huống éo le xa xót thường gặp không ít trong đời sống con người. Đây là một tứ thơ lạ và… hóm, thể hiện bước tiến mới của thơ Xuân Quỳ.

Thơ trữ tình Xuân Quỳ rất đậm đà nữ tính nhưng vẫn không xa rời sự kiện, thời cuộc, lịch sử… Đi họp Hội nghị Ngôn ngữ học quốc tế Aila ở  Nhật Bản, chị viêt bài “Cảm xúc Tokyo”, “Thương em Sajaya”vv… Đây là điều đáng quý và có thể nói hơi hiếm nữa!
Nước mắt từ Hirôshima
Chảy ta về
Nagasaki còn bỏng lửa
Bom A, bom H hiện về
Thế kỷ 20 đầy kinh hãi!

Ngôn ngữ địa cầu chung một hướng
Nhân loại cần hòa bình
Không cần bom H bom A
Nào đồng thanh tương ứng
Lời nhân ái gửi nghìn sau…

(Cảm xúc Tokyo)

    Bảy tập thơ đã xuất bản, khi làm tuyển thơ này, chị đã lược bớt, chỉ để lại 257 bài. Tôi đọc kỹ, thấy nhiều bài được sửa chữa khá công phu, nâng cấp lên, hoàn chỉnh hơn so với bản in trước đây. Được như vậy là nhờ chị chịu khó lắng nghe ý kiến phê bình của bạn bè để gia công sửa chữa từng chữ từng câu. Bài yếu hoặc có ý trùng lặp thì loại bỏ (số này khá nhiều), bài cần sửa thì gia công kỹ lưỡng. Thơ là nghệ thuật vi diệu bậc nhất. Ý thức điều này, Xuân Quỳ không dễ dãi trong lao động nghệ thuật. Đây là tập tuyển, sự cẩn thận như thế là rất đúng, rất trách nhiệm.
    Một đời thơ, chắt lọc lại trong một tuyển thơ tinh túy gọn gàng, có chất lượng, thật là đáng quý. 
    Xin chúc mừng nhà thơ Xuân Quỳ! 

                                                  Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 6 năm 2011

0 nhận xét:

Đăng nhận xét