Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Xuân Quỳ: Ru những lở bồi năm tháng

Lời tựa tập thơ Lục bát Xuân Quỳ

Lục bát Xuân Quỳ là tập thơ lục bát chọn lọc 46 bài của một người thơ mê đắm thể loại thơ truyền thống. Và lục bát, như tôi thấy, cũng là mảng thơ “thành” nhất trong những sáng tác của chị. Một khi chọn thể loại thơ này làm chủ đạo cho “duyên” thơ nhiều nỗi niềm nhớ nhung giăng mắc, Xuân Quỳ hẳn biết, lục bát là thể thơ truyền thống lâu đời, quen đến nỗi nó đã trở thành “dân gian” cả trong thơ, ca, hò, vè… những mấy trăm năm, mà làm mới được nó cũng khó như “dời non lấp bể”. Nhưng chị Xuân Quỳ làm thơ lục bát, chỉ giản dị như một cơ duyên bày tỏ mình, những nỗi niềm tâm sự, những kỷ niệm và trải nghiệm dọc hành trình của một hồn thơ đôn hậu, đằm thắm; vì lục bát dường như rất hợp với một người thơ sinh ra từ cái nôi đồng bằng Bắc bộ, nay thành đạt, định cư tận phương Nam, lòng chưa nguôi nhớ về quê hương bản quán, những kỷ niệm thấm đẫm tuổi ấu thơ, những tình bạn bè, thân hữu thời quá vãng, hay dấu ấn thời gian nhiều thương nhớ trên những nẻo đường bươn trải khắp đó đây, mà cốt lõi của tinh thần thơ ấy cũng để ngẫm ngợi về thủy chung, về đạo lý và sự thức ngộ ở đời.

Có lẽ vì thế, thơ viết về quê hương, về những người thân có dung lượng khá tập trung trong tập, tự nó đã “biểu quyết” cho những niềm “thương nhớ cũ”, những góc suy tư thầm lặng và sâu sắc trong tâm hồn thơ Xuân Quỳ: Mẹ, Chợ quê, Quê ngoại, Đưa con về thăm Thành ốc, Sông quê, Vị quê… như những con sóng sông Luộc, quê chị cứ dào lên nhịp nhớ, nhịp thương. Như thấy ở đây, tấm lòng của người mẹ đã chăm chút cho con: “Dạy con học nói học cười/ Dạy con lên Bắc, lại rời về Nam/ Dạy con phận gái đò ngang/ Lênh đênh sóng nước tràng giang lở bồi...”. Đã dạy con đủ điều về nết ăn nết ở, cả những ứng xử khi “lênh đênh sóng nước tràng giang lở bồi” mà vẫn còn chưa thôi áy náy: “Bây giờ xa cách trùng khơi/ Liệu khi vụng dại biết rồi cậy ai?”. Có lẽ cả cuộc đời người mẹ là cả nỗi lo toan cho con, cho cháu không ngơi nghỉ.

Ký ức về một vùng quê, về những người yêu dấu lại có dịp thổn thức trong một chiều mưa về thăm “Quê ngoại”: “Lẫn trong hương bưởi hương dừa/ Hương làng xóm, nghĩa cũ xưa ngọt bùi/ Vòng tay ôm ngoại bùi ngùi/ Nghe con tim hát buồn vui nghẹn ngào”. Và ở đó, “Vị quê” vốn chưa bao giờ phai nhạt trong người thơ đa cảm, không chỉ gợi nhớ về những ngày ấu thơ cùng bè bạn níu rễ đa cổ thụ nhảy dây, chơi trò “trồng nụ, trồng hoa”… mà vị quê thấm đẫm, như nếm được trong từng cảm xúc: “Nhãn lồng là vị quê tôi/ Mọng thơm như thể làn môi gái làng/ Xa xôi vẫn nét dịu dàng/ Nghe sông Luộc chở nắng vàng dậy hương/ Vẳng nghe tiếng sáo du dương/ Tuổi thơ gồng gánh yêu thương vào đời/ Nhớ quê nhớ đến bồi hồi/ Chợ Phù hoa biết có người đợi ta”.

Nếu “Sông quê” chưa thôi vỗ sóng vào tiềm thức, để những năm tháng sinh cơ, đã xa cái làng quê nguyên thủy cả ngàn dặm, xa cách thời gian biền biệt đời người, mà: “Dòng sông như vẫn đưa nôi/ Ru tôi ru những lở bồi tháng năm”, thì “Chợ quê” của Xuân Quỳ lại đánh thức ta cả ký ức văn hóa xa xưa ở nông thôn Bắc bộ. Chợ phiên (thường 5 ngày họp một lần) không chỉ là nơi mua bán, trao đổi, chính là nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, là nét sinh hoạt văn hóa làng quê từ bao đời nay, mà những ai ở nông thôn, từ nhiều thập niên trước, không thể quên. Cái chợ quê “nép bên triền sông” ấy trong thơ Xuân Quỳ sao thương thế: “Năm ngày mới có một phiên/ Chợ quê đứng nép bên triền sông quê/ Nắng cong mái rét tái tê/ Vẫn vui chợ huyện, nẻo về hẹn nhau…/ Dọc ngang đưa khách sông sâu/ Vời trông con nước về đâu mỏi mòn/ Nhớ quê mấy độ trăng tròn/ Chợ quê giờ họp trong hồn tôi quê”. Cái chợ phiên quê thương thương ấy giờ có thể biến mất rồi, những người “muôn năm” ấy giờ có thể đã vơi lắm rồi…, vì bây giờ, kinh tế và xã hội đã đổi thay đến chóng mặt, chợ nông thôn nhiều nơi đã họp hàng ngày mà không theo phiên nữa. Nhưng “Chợ quê giờ họp trong hồn tôi quê”, là tôi của cái ngày xưa ấy, sự “họp” trong hồn tôi quê bây giờ, ai bảo câu thơ không thi sĩ, không ảo, không mới trong biểu cảm Xuân Quỳ!

*

Xuân Quỳ đi nhiều nơi, mọi vùng miền đất nước, kể cả những địa danh nước ngoài, đã để lại những dấu ấn cảm xúc trong thơ chị. Đặc biệt, những năm tháng gần đây chị đi nhiều nơi làm từ thiện, có lẽ vì vậy mà có nhiều bài thơ viết về đền chùa, di tích: Hương Tích, Đường vào chùa giải oan, Muôn nỗi, Đá thành Phật thành Tiên, Đền Lý Bát Đế - Lý Chiêu Hoàng, Trước am Mỵ Châu, Nhớ ngày Giỗ Tổ…; hay những địa danh, những nhân vật lịch sử: Qua phủ Vĩnh Tường, Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, Tâm sự Huyền Trân, Bi kịch Lý Chiêu Hoàng…; hoặc nói về những tích xưa, về cố nhân. Đọc những bài thơ ấy, thấy đó cũng là một cách trở lại “ngày xưa”, trở về “cố hương” khác của nhà thơ. Có khi là một hồi tưởng, và sau đó là một chiêm nghiệm, một lời nhắc nhở cháu con, một bài học của nhân thế qua những biến thiên của lịch sử.

Đó là một không gian Hương Tích thức động lòng người: “Nam mô… Phật ở bốn phương/ Dìu con trong mỗi độ đường nhân gian/ Một vùng tối sáng lửa than/ Cỏ cây rêu đá chan chan nỗi niềm”. Cũng ở trong cuộc hành hương tâm thế, trước cõi thiền tịnh, chân tu mà nhìn ngẫm lại cuộc đời: “Bộn bề muôn nỗi chúng sinh/ Ngổn ngang kiếp phận nhân tình éo le/ Bước thu đông, bước xuân hè/ Ngược dòng trắc ẩn xuôi bè tâm linh/ Cung thành bại, dốc tử sinh/ Vượt bao mưa nắng hành trình xa xôi”. Ngược dòng trắc ẩn xuôi bè tâm linh, hayCung thành bại, dốc tử sinh… là ngôn ngữ thể hiện mới trong hình thái thơ lục bát truyền thống đã được cày xới, thâm canh từ nhiều thế hệ người làm thơ Việt.

Và, như trên đã nhắc, Xuân Quỳ mượn nhiều địa danh, tích xưa để bày tỏ những nỗi niềm tâm sự. Qua Phủ Vĩnh Tường để nhớ hồn thơ và bóng dáng Hồ Xuân Hương còn như phảng phất đó đây trên cánh đồng lúa vàng, để trách người lỗi đạo vợ chồng, sính khoe chữ mà tâm hồn trống rỗng. Lại khi nhắc đến những tài sắc và bi kịch, để lại nhiều thương tiếc ở Công chúa Lê Ngọc Hân, Huyền Trân, Lý Chiêu Hoàng… Có một sự đồng cảm, sẻ chia, với nỗi niềm đắng cay, chua xót về thân phận của những người phụ nữ trâm anh, quý tộc các triều đại phong kiến trước vần xoay của số phận lịch sử. Biết bao nhiêu câu hỏi vẳng lên từ những góc suy tư, giầu nữ tính, nhạy cảm và cảm thông Xuân Quỳ: “Ngồi buồn hỏi cõi trăm năm/ Hỏi mây dưới nước, hỏi trăng trên ngàn/ Hỏi Trời từ thuở Văn Lang/ Vẫn xanh như thế suốt ngàn năm sau…/ Vui buồn lắng xuống đáy sâu/ Phế hưng biến cải, đớn đau lặn chìm/ Nghĩa tình đạo lý còn in…”. Những câu hỏi về cõi trăm năm ấy cứ như là câu hỏi và sự cảnh tỉnh cho chính những người hậu thế, những con người đương đại vậy.

Lục bát Xuân Quỳ có nhiều câu thơ đẹp về những miền quê mà chị từng qua, từng sống, và cũng nhiều câu thơ héo hắt nỗi niềm, vân vi điệu nhớ: “Bây giờ cánh hạc xa xôi/ Còn trong sương gió đầy vơi nỗi niềm”. Một lời vừa nhắn nhủ, vừa trách thương với tri âm: “Người đi dằng dặc mùa đông/ Mùa đông thương nhớ mênh mông cánh buồm/ Nhớ sao vò võ đêm trường/ Người đi mê mải nẻo đường có hay”. Đi tìm lại những người bạn tri âm, những cố nhân, mà những bóng dáng ngày xưa ấy đã là một phần đời sống tinh thần của mỗi đời người, đặc biệt sau những tháng năm bươn trải, khi người ta luống tuổi, sự trở lại ký ức càng trở nên da diết, những câu thơ như từ cõi hoang vu mà thảng thốt ra: “Cuộc đời vun vút bóng câu/ Xuống gềnh lên thác tìm đâu thấy người/ Cố nhân ơi cố nhân ơi/ Nhìn quanh vắng lặng hỏi người nơi nao?!”. Một trong những bài thơ hay của Xuân Quỳ, bài Giọt sương, nghe vẳng lên như từng giọt tâm trạng, lãng đãng và gợi về một thuở đầy vơi tâm sự: “Gió đưa bạn đến chơi nhà/ Mang theo trăng với la đà giọt sương…/ Giọt gần chi chút tơ vương/ Giọt xa ôm hết nhớ thương đường dài/ Giọt thầm hò hẹn với ai/ Giọt buồn vui với đan cài ngọt chua…/ Cái thời đèo dốc nắng mưa/ Cái gì cũng thiếu chỉ thừa ước mơ…”. Quả là một thời đẹp và buồn. Cái thời mà nghe kể lại, con trẻ bây giờ cứ như nghe truyện cổ tích, khó mà hiểu mà cảm được. Thời ấy đã là một quá khứ xa xăm rồi!

Và quá khứ ấy thật sống động, lung linh trong nhiều câu thơ thi sĩ của hồn thơ Xuân Quỳ: “Bến buồn như hẹn cùng ai/ Thuyền hun hút bóng một vài nhạn xa…”, “Có người chở nắng lên tiên/ Gót sen nhẹ lướt tới bên vườn chùa…”. Nhưng những niềm day dứt: “Tháng năm tách lọc vàng thau/ Thảnh thơi tóc bạc đã màu thời gian...” của một tâm hồn nữ sĩ, tâm hồn một người mẹ khi “Đưa con về thăm Thành ốc” vẫn dào dạt niềm tin yêu, vẫn da diết tiếng quê trong lời dặn con: “Cầm lên một nắm lở bồi/ Mai con đến xứ xa xôi sương mù/ Hành trang: khúc hát mẹ ru/ Lũy thành ở chốn tâm tư yên bình!”. Vâng, có lũy thành nào vững chãi, yêu thương, tin cậy để ta sống bằng lũy thành của chốn tâm tư yên bình, lũy thành được xây từ những lời ru của mẹ, hay là hồn dân tộc. Nhà thơ Xuân Quỳ đã nói giùm ta những điều giản dị, gần gũi mà thiêng liêng ấy.

Hà Nội, ngày 05/ 08/ 2013

Trần Quang Quý

Nguồn: Lời tựa cho tập Lục bát Xuân Quỳ. NXB Hội Nhà văn, sắp phát hành.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét