Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Cảm nhận của Phó giáo sư, Tiến sĩ PHAN ĐĂNG NHẬT

      Tôi góp phần nhỏ trong lời thơ của chị Xuân Quỳ. Tôi là người giới thiệu tập thơ đầu tiên của chị là tập thơ Chiều. Sau khi theo dõi các hoạt động thơ của chị Xuân Quỳ, tôi thấy một diều lý thú. Nhà tư tưởng Trung Quốc Âu Dương Tu có nói rằng: "Đời có cùng thì thơ mới hay". Đấy cũng là một lôgic và cũng có lý. Nhưng cũng có những người đời không cùng, rất thành đạt mà thơ cũng hay, đó là chị Xuân Quỳ. Chị trước đây có làm kinh tế, hoạt động kinh tế của chị cũng rất thành đạt. Hiện nay các con của chị, có những người làm giám đốc của công ty xuyên quốc gia. Nhìn chị Quỳ, ta thấy được đời sống, niềm vui, bình an trong cuộc sống của chị. Vậy có phải, người có đời sống sung mãn thì làm thơ không hay? Không phải thế, vấn đề là ở tâm hồn. Chị Quỳ sống trong một hoàn cảnh khá giả nhưng chị nói: "Từ trong nhà gương trong vắt, soi rõ làng quê rợp bóng tre". Chị vẫn nhớ đến những cảnh làng quê gió mùa đông bắc lạnh lùng. Chị nói: "Nhớ quê ta những chiều chuyển sang đông", chị nhớ đến những người bạn nghèo ngày xưa và chị hỏi những người bạn tuổi thơ rằng: "Có ấm chiếu không, ấm bếp không?". Tôi nghĩ đã có một lòng nhân ái, một lòng nhớ thương thì trong hoàn cảnh nào cũng có thể làm thơ hay được. Chị Quỳ là người hoạt động từ thiện. Lòng thương nhớ và hoạt động từ thiện của chị Xuân Quỳ là một mối quan hệ chặt chẽ, biện chứng từ trong tâm hồn của con người. Tôi nghĩ rằng, phải có tình cảm, có tâm hồn, có lòng thiện, thì mới làm thơ được. Thơ sẽ làm cho cuộc đời thiện hơn, đẹp hơn. Vì vậy cần cổ vũ hồn thơ Xuân Quỳ ở những hoạt động thơ trong cuộc sống ngày nay.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét